Sưu tầm:
Đau thắt lưng là một trong những hội chứng rất thường gặp trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt và trong cuộc sống hằng ngày.
Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng đau thắt lưng là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở những người dưới 45 tuổi; tỷ lệ đau thắt lưng hằng năm ước tính khoảng 5% dân số; 50% người đau thắt lưng ở trong độ tuổi lao động. Có nghiên cứu cho rằng 60 - 90% người trưởng thành bị đau vùng thắt lưng ít nhất 1 lần trong đời.
Ai có thể mắc bệnh?
Thắt lưng là vùng được giới hạn từ bờ trên hai xương cánh chậu đến bờ dưới xương sườn 12, hai bên là hai cơ thẳng lưng. Đoạn cột sống thắt lưng có 5 đốt sống từ thắt lưng 1 đến thắt lưng 5 với 6 đĩa đệm (có 2 đĩa đệm chuyển đoạn ngực - thắt lưng và thắt lưng - cùng). Đoạn thắt lưng là đoạn chịu sức nặng của nửa trên cơ thể kháng lại trọng lực nên cấu tạo khỏe, chắc. Vùng thắt lưng có tầm vận động rộng gồm các động tác cúi, ngửa, nghiêng, xoay. Biên độ vận động lớn nhất của vùng thắt lưng là ở thắt lưng 5 (L5) và cùng 1 (S1); đây là vùng bản lề, đảm nhiệm khoảng 75% vận động cúi, ngửa vùng thắt lưng; còn lại 20% ở thắt lưng 4 (L4) và thắt lưng 5 (L5); và 5% ở các mức khác. Lực đè nén cuối cùng của cột sống cũng dồn cả vào vùng L5 và S1.
Đau thắt lưng có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột sau một vận động mạnh hoặc vận động không đúng tư thế; trong trường hợp này chỉ cần nằm nghỉ, dùng thuốc giảm đau thông thường, điều trị vật lý sau một thời gian đau vùng thắt lưng cũng sẽ thuyên giảm, nhưng vấn đề quan trọng là phục hồi lại chức năng vận động của vùng thắt lưng và đề phòng đau thắt lưng cấp và đau tái phát.
Phòng ngừa đau thắt lưng
Đau thắt lưng là một trong những chứng bệnh hay tái phát nhất. Có thể những lần đau sau là do tổn thương thực thể của cột sống hoặc do một tình trạng bệnh lý mới xuất hiện, nhưng rất nhiều trường hợp đau thắt lưng cấp và đau tái phát là do người bệnh vận động ở tư thế không đúng.
Một trong những cách phòng ngừa đau lưng cấp và đau lưng tái phát hiệu quả nhất là giữ cho cơ thể ở tư thế đúng trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Sau đây là một số hướng dẫn cụ thể:
Đứng: Khi đứng cần đứng thẳng, cân xứng hai bên, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai chân. Không ưỡn bụng và thắt lưng, cần giữ độ cong bình thường của cột sống đặc biệt là đoạn thắt lưng. Không nên đứng ở những tư thế cố làm cho thân mình cao lên đặc biệt là thói quen thường xuyên dùng giày hoặc guốc cao gót. Đối với những người bị thoát vị đĩa đệm cần hạn chế các động tác cúi làm gấp cột sống.
Ngồi: Khi ngồi nên ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp với cơ thể mình để hai bàn chân đặt sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng hai bên vuông góc, lưng thẳng, tựa đều vào thành ghế phía sau, trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân. Nếu cần có thể dùng một gối mỏng kê đỡ vùng thắt lưng để duy trì đường cong bình thường của đoạn cột sống này. Những người đã bị đau lưng đặc biệt là thoát vị đĩa đệm không được ngồi xổm, hạn chế các tư thế làm gấp cột sống.
Khi bê hoặc nâng đồ vật lên: Khi muốn bê hoặc nâng một vật từ dưới đất lên cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình, khoảng cách giữa đồ vật đó với cơ thể và sự phối hợp nhịp nhàng của động tác, cụ thể như sau:
- Hai bàn chân đứng cách nhau một khoảng rộng phù hợp để tạo chân đế vững chắc.
- Ngồi xổm xuống (bằng cách gấp khớp gối và khớp háng) không cúi gấp cột sống.
- Đưa đồ vật cần bê vào sát bụng, căng cơ bụng ra.
- Nâng đồ vật đó lên bằng cách đứng dậy. Không dùng cơ thắt lưng để nâng vật đó lên.
- Giữ cho cột sống thẳng, không xoắn vặn trong khi thực hiện động tác.
- Giữ cho độ ưỡn của đoạn thắt lưng vẫn được duy trì ở mức bình thường.
Khi bê và mang đồ vật đi: Khi muốn bê và mang một vật nào đó đi chỗ khác, chúng ta cũng cần đặc biệt chú ý đến tư thế của cột sống và thân mình cũng như vị trí và khoảng cách của vật đó đối với cơ thể. Một số vấn đề cần chú ý như sau:
- Bê đồ vật cần mang đi như đã hướng dẫn ở trên.
- Ôm chắc đồ vật đó bằng hai tay.
- Giữ đồ vật đó sát vào bụng, ở mức ngang ngực - thắt lưng.
- Giữ cột sống thẳng, giữ đoạn thắt lưng ở độ ưỡn bình thường.
- Bước đi bình thường, thoải mái, không bước xiêu vẹo, xoắn vặn.
PGS.TS. Trần Văn Chương
(Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai)