hoasunghyvong.blogspot.com

Chủ Nhật, 8 tháng 4, 2012

Thoái hóa khớp gối

Sưu tầm:

Thoái hóa khớp là một bệnh khớp thường gặp nhất ở người cao tuổi với trên 50% những người trên 35 tuổi có biểu hiện ít nhất một triệu chứng của bệnh, tỷ lệ này lên tới 80% ở những người trên 70 tuổi. Bệnh đặc trưng bởi tổn thương thoái hóa của sụn khớp với quá trình mất sụn khớp và tổn thương xơ hóa xương dưới sụn, từ đó gây ra tổ chức xương cạnh khớp tân tạo và hốc xương dưới sụn.
                                              Thoái hóa khớp gối
 Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối Tổn thương thoái hóa khớp thường gặp ở các khớp chịu lực: khớp gối, khớp háng hoặc thoái hóa cột sống. Ngoài ra cũng gặp thoái hóa ở các khớp nhỏ ngoại vi có chức năng vận động cơ học nhiều như khớp bàn ngón cái và các khớp ngón xa ở tay, chân. Trong đó bệnh thoái hóa khớp gối rất hay gặp ở nước ta (thường gặp hơn ở nữ giới) với chi phí xã hội cho chẩn đoán, phòng và điều trị bệnh ngày càng tăng cao. Chẩn đoán thoái hóa khớp gối dựa vào hỏi bệnh với triệu chứng đau khớp kiểu cơ học: đau tăng khi vận động, đặc biệt khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng, động tác đi bộ lên- xuống cầu thang; đau giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh có thể cảm nhận tiếng khớp lạo xạo khi vận động kèm hạn chế vận động, gấp, duỗi khớp gối đau.


 Khớp có thể biến dạng, sưng hoặc lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X. Hình ảnh Xquang điển hình của thoái hóa khớp gối bao gồm hình ảnh hẹp khe khớp không đều (thường hẹp nhiều ở mặt trong), kết đặc xương dưới sụn, hình ảnh mọc thêm xương (gai xương, chồi xương). Hiện tại chưa có thuốc nào điều trị khỏi hoàn toàn bệnh thoái hóa khớp. Điều trị thoái hóa khớp gối nhằm mục đích giảm đau cho bệnh nhân và duy trì vận động khớp. Các phương thức điều trị bao gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa. Lựa chọn chương trình điều trị thích hợp cho bệnh nhân phải dựa trên hoàn cảnh cụ thể của bệnh nhân đó, như tuổi, trọng lượng, mức độ thoái hóa cũng như các bệnh kèm theo. Các biện pháp điều trị không dùng thuốc Cần tránh cho khớp gối bị quá tải bởi mức độ vận động và trọng lượng quá mức bằng giảm các vận động chịu tải, giảm béo. Trường hợp cần thiết, bệnh nhân nên đi nạng 1 hoặc 2 bên. Vật lý trị liệu có tác dụng giảm đau tốt, với mục đích chữa tư thế xấu và duy trì dinh dưỡng cơ ở cạnh khớp, điều trị đau gân và cơ kết hợp tăng sức mạnh của cơ. Các biện pháp bao gồm mát-xa cơ, tập vận động khớp và các biện pháp dùng nhiệt lượng (hồng ngoại, sóng ngắn, điện phân…). Thay đổi nghề nghiệp của bệnh nhân nếu có thể, như lựa chọn nghề ít đi lại, ít chịu tải trọng, tìm các biện pháp cho bệnh nhân thích nghi với điều kiện làm việc. Về tập luyện: Có thể tập các bài tập như chạy bộ khi khớp chưa có tổn thương Xquang, nghĩa là khe khớp vẫn còn bình thường. Chú ý tránh đi bộ nhiều trong giai đoạn khớp gối đang đau. Đây là một sai lầm mà nhiều bệnh nhân hay mắc phải. Bơi hoặc đạp xe đạp tại chỗ là các biện pháp tập luyện tốt. Phòng bệnh như thế nào? - Chống các tư thế xấu trong sinh hoạt và lao động. Tránh các động tác mạnh, đột ngột khi mang vác hoặc lao động nặng. - Điều chỉnh cân nặng ở trọng lượng lý tưởng. - Phát hiện và sửa chữa các dị dạng xương, khớp gối, đặc biệt ở trẻ em. - Đục xương chỉnh trục trong lệch trục khớp gối (vừa là dự phòng, vừa để điều trị thoái hóa). Ngay khi có triệu chứng đau vùng gối, bệnh nhân cần đi khám ngay để được chụp X-quang, phát hiện và điều trị những tổn thương ở khớp gối, ngăn ngừa bệnh âm thầm phát triển, có thể dẫn đến không đi lại được.
                                                                                                     Theo sức khỏe đời sống

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét